Con trai bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Huỳnh Uy Dũng vì cho rằng, đã thúc giục, ủng hộ tinh thần mẹ mình thực hiện hành vi phạm tội. Chuyên gia pháp lý cho biết, đơn này có thể sẽ không được thụ lý.
Vì sao đơn tố cáo ông Dũng “lò vôi” có thể không được thụ lý?
Cụ thể, ông Nguyễn Quang Tuấn – con trai bà Nguyễn Phương Hằng đã có đơn tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) có vai trò “đồng phạm”, vì đã thúc giục, ủng hộ tinh thần mẹ mình thực hiện hành vi phạm tội, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, tố cáo, tố giác tội phạm là quyền của công dân.
Công dân có quyền tố cáo, tố giác tội phạm. Nhưng, công dân phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến nội dung đơn thư, tài liệu… cung cấp cho cơ quan điều tra.
Nếu đơn thư tố cáo, tố giác có căn cứ, có dấu hiệu tội phạm, mà chưa được cơ quan nào thụ lý giải quyết; cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để tiến hành xác minh theo quy định của pháp luật.
Còn trường hợp đơn thư tố cáo, tố giác không có căn cứ hoặc đã, đang được giải quyết theo thủ tục khác, trong quá trình phân loại đơn thư, cơ quan chức năng có quyền từ chối thụ lý đơn thư tố cáo, tố giác.
Theo ông Cường, trong vụ án mà bà Hằng và các đồng phạm bị truy tố, ông Huỳnh Uy Dũng cũng được tòa án triệu tập tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Vai trò của ông Dũng như thế nào trong vụ án này sẽ được tòa án làm rõ trong quá trình xét xử vụ án.
Tuy nhiên, theo những thông tin đã được công khai, đặc biệt là nội dung thể hiện qua kết luận điều tra và cáo trạng cho thấy, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã làm việc với ông Dũng, thu thập các tài liệu chứng cứ để xem xét hành vi, vai trò của ông Dũng. Các cơ quan tố tụng đã thể hiện quan điểm và kết luận ông Huỳnh Uy Dũng không phạm tội.
“Chính vì vậy, rất có thể, đơn thư tố giác của ông Nguyễn Quang Tuấn sẽ không được xem xét thụ lý tin báo. Trong quá trình phân loại đơn thư, cơ quan chức năng có thể sẽ trả lời là vụ việc đang được tòa án giải quyết và sẽ chuyển đơn cho tòa án xem xét trong quá trình xét xử vụ án” – Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nói.
Cần làm rõ tư cách tham gia tố tụng trong vụ án
Ở một diễn biến khác, ngay sau khi bản Cáo trạng số 236/CT-VKS-P2 ngày 25/4/2023 do Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM công bố mới đây, có nhiều ý kiến thắc mắc và yêu cầu xác định chính xác tư cách của các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên và chồng Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu và Trương Thị Việt Hà là “bị hại” hay là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” khi tham gia tố tụng trong vụ án này.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, để giải quyết vấn đề trên, cần phải làm rõ các yếu tố trong cấu thành tội phạm, đặc biệt là yếu tố khách thể của tội phạm.
Bà Thơ phân tích, khoa học pháp lý xác định quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại đến là khách thể của tội phạm.
Đối với nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị nhóm tội phạm xâm hại được xác định là khách thể loại của tội phạm.
Cấu trúc trong phần tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được xắp sếp thứ tự các Chương – Mục theo nhóm khách thể loại mà tội phạm xâm hại tới, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.
Cụ thể, tại Điều 8 – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội mà theo quy định của Bộ luật Hình sự này phải bị xử lý hình sự.
Như vậy, rõ ràng cần phải xác định chính xác hành vi phát ngôn trực tiếp chia sẻ, bình luận về bí mật đời tư, cuộc sống riêng là trái quy định của pháp luật cho phép.
Ở đây, bị can Nguyễn Phương Hằng đã có những lời lẽ và nội dung vượt quá giới hạn, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín các cá nhân nêu trên. Bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã xâm hại đến khách thể và khách thể loại nào được pháp luật hình sự bảo vệ?
Theo luật gia Nguyễn Thị Quýnh Thơ, trong vụ án này cần xem xét và đánh giá cấu thành tội phạm thuộc hai trường hợp:
Thứ nhất, trường hợp bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Chương XXII của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Các tội xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính”, thì rõ ràng hành vi phạm tội của các bị can đã xâm hại đến khách thể loại là trật tự quản lý hành chính của Nhà nước.
Như vậy, mới có đủ căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này của các ông, bà trên là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Thứ hai, trường hợp bị can Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm phạm tội “Làm nhục người khác”, theo Điều 155, Chương XIV của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, thì rõ ràng, hành vi phạm tội của các bị can đã xâm hại đến khách thể loại là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Như vậy mới có đủ căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của các ông, bà trên trong vụ án này là bị hại.
“Việc xác định chính xác tư cách của người tham gia tố tụng là rất quan trọng, đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện,” – luật gia Quỳnh Thơ nêu quan điểm.